TỰ SOI CHIẾU - CHÌA KHÓA CHO SỰ PHÁT TRIỂN
- Nguyễn Khánh Ngọc
- 30 thg 10, 2021
- 3 phút đọc

Aristotle, một nhà hiền triết thời Hy Lạp cổ, đã từng nói: “Thấu hiểu bản thân là khởi đầu của mọi sự tinh khôn trên đời” - “Knowing yourself is the beginning of all wisdom.”
Qua câu nói trên, ta có thể hiểu rằng những người thành công là những cá nhân biết tự nhìn nhận, đánh giá và nhận thức rõ về chính bản thân họ.
𝐒𝐞𝐥𝐟-𝐑𝐞𝐟𝐥𝐞𝐜𝐭𝐢𝐨𝐧 – “𝐒𝐮̛̣ 𝐭𝐮̛̣ 𝐬𝐨𝐢 𝐜𝐡𝐢𝐞̂́𝐮 𝐛𝐚̉𝐧 𝐭𝐡𝐚̂𝐧” từ lâu đã được cho là một trong những cách hữu hiệu nhất để con người có thể thấu hiểu chính mình và tạo dựng những tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Một khi đã hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ có cho mình 𝐒𝐞𝐥𝐟-𝐑𝐞𝐟𝐥𝐞𝐜𝐭𝐢𝐨𝐧 – “𝐒𝐮̛̣ 𝐭𝐮̛̣ 𝐬𝐨𝐢 𝐜𝐡𝐢𝐞̂́𝐮 𝐛𝐚̉𝐧 𝐭𝐡𝐚̂𝐧”. Đây là một yếu tố quan trọng mà bất cứ nhà lãnh đạo vĩ đại nào cũng sở hữu.
Ngược lại, nếu thiếu đi sự tự phản ánh, chúng ta sẽ sống mà chẳng dành một giây nào đánh giá những chuyện đã xảy ra. Chúng ta không dừng lại để suy nghĩ, phân tích và nhận định điều gì là tốt chính mình, điều gì khiến ta phiền lòng, ta đã làm tốt hay dở, có những điểm mạnh, điểm yếu nào...
1. Tự soi chiếu là gì?
Tự soi chiếu bản thân là hành động chúng ta suy nghĩ, hồi tưởng, đánh giá và học hỏi từ những câu chuyện, sự việc đã xảy ra trong quá khứ.
Simon Sinek, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Start with Why”, cho rằng tự soi chiếu giống như việc bạn tách bản thân ra và xem lại những điều đã qua như một bên thứ ba. Bên thứ ba này có nhiệm vụ đánh giá những điều đó và đưa lời khuyên cho chính bạn. Theo Simon, soi chiếu là cách để mỗi người tự học từ thành công và thất bại của bản thân. Là khả năng nhìn ra điểm tốt để áp dụng lại trong tương lai, và xác định điểm xấu rồi tránh lặp lại chúng.
Ngoài việc giúp định hình bản sắc cá nhân để phát triển, sự soi chiếu còn khiến chúng ta hiểu rõ về những cảm xúc và ý định của chính mình. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ. Thêm vào đó, tự phản chiếu cũng giúp nâng cao khả năng đưa ra quyết định của bạn. Một khi biết rõ mình là ai, mình cần điều gì, cái gì là phù hợp với mình... thì bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định chính xác.
2. Tập soi chiếu bằng cách VIẾT
Hiện nay đang có rất nhiều cách để chúng ta tự soi chiếu bản thân, tuy nhiên, 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 sẽ giới thiệu một phương pháp mà chúng mình cho là cực kỳ đơn giản mà hiệu quả mang tên: 𝐉𝐨𝐮𝐫𝐧𝐚𝐥𝐢𝐧𝐠 – 𝐆𝐡𝐢 𝐜𝐡𝐞́𝐩
Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc tự soi chiếu và kết quả học tập, Magdeleine D. N. Lew và Giáo sư Henk G. Schmidt đã chỉ ra được sự tiến bộ trong học tập của những học sinh có thói quen tự soi chiếu bằng cách viết - Journaling Reflection.
Không dừng lại ở lĩnh vực học tập, một vận động viên Olympic cũng đã tiến bộ hơn bằng cách ghi chép thường xuyên. Đó là Nicola McDermott - vận động viên nhảy cao người Úc đã giành huy chương bạc tại Tokyo 2020. Trả lời phỏng vấn, Nicola chia sẻ rằng sau mỗi cú nhảy, cô đều ghi chép vào trong sổ tay của mình để tự đánh giá, phản ánh bản thân. Nhờ vào việc liên tục soi chiếu như vậy, nữ vận động viên đã đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ.
Viết/ghi chép là một phương tiện truyền tải suy nghĩ. Thay vì cố gắng tổng hợp và liên kết những ý nghĩ trong đầu, bạn nên đưa chúng ra ngoài. Khi viết, những suy nghĩ, cảm nhận sẽ hiện lên trước mắt. Lúc đó, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng thể hơn về sự việc để đánh giá và rút kinh nghiệm sao cho hiệu quả. Ngoài ra, viết cũng là một cách để thư giãn, giải tỏa áp lực khi cần thiết.
Trong thời gian tới, 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 sẽ đem đến một nơi mà mọi độc giả đều có thể viết ra những câu chuyện để có thể tự soi chiếu bản thân. Chúng mình rất mong nhận được sự đồng hành của các bạn. Hãy tiếp tục theo dõi và chờ đợi những bài viết tiếp theo nhé.
Comments