CÂN BẰNG SỰ KẾT NỐI GIỮA "ONLINE" VÀ "OFFLINE"
- Nguyễn Khánh Ngọc
- 30 thg 10, 2021
- 3 phút đọc

Đại dịch xảy đến là một thách thức lớn đối với cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặc biệt, ta có thể dễ dàng nhận thấy việc giãn cách xã hội đã gây ra sự gián đoạn không nhỏ đối với nhu cầu kết nối giữa mọi người. Để thích nghi với tình hình hiện tại, chúng ta gần như phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và Internet để có thể trò chuyện, kết nối với nhau. Thế nhưng việc chuyển sang nền tảng online không hoàn toàn đem lại lợi ích, mà vẫn xuất hiện những bất cập theo đó và ảnh hưởng trực tiếp đến sự kết nối xung quanh chúng ta. “Online” mở ra nhiều cơ hội cho những cuộc trò chuyện mới, nhưng đồng thời cũng có thể là cánh cửa đóng lại rất nhiều mối quan hệ.
Vậy làm thế nào để cân bằng được sự kết nối giữa “Online” và “Offline”? Trong tình trạng bấp bênh này, vẫn luôn có cơ hội cho những người chủ động và sẵn sàng cho những điều mới lạ. Cùng 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

1. Chủ động “mở” những “cánh cửa mới”
Dù là tình yêu hay tình bạn, việc “giữ lửa” trong một mối quan hệ luôn là điều cần thiết. Nếu ta củng cố mối quan hệ “Offline” bằng những buổi cùng đi ăn, đi chơi, mua sắm, giải trí, thì mối quan hệ “online” cũng có rất nhiều cách để duy trì. Thay vì trực tiếp tới rạp chiếu, giờ đây chúng ta có thể cùng nhau trải nghiệm những nền tảng online cho phép vừa video call vừa xem phim, hay chơi những trò chơi trực tuyến cho phép giao tiếp qua giọng nói (voice chat) với nhau.
Dù vẫn chỉ là những cuộc giao tiếp qua màn hình, nhưng đừng vội nản lòng mà đánh giá những phương thức này nhàm chán. Bởi miễn sao những người trong cuộc cảm thấy vui vẻ và nhận được sự quan tâm của nhau, thì đó chính là thành công của việc cân bằng kết nối “Online” và “Offline”.

2. Khoảng riêng tư là một điều cần thiết
Từ việc gặp mặt trực tiếp mỗi ngày trở thành nhìn nhau qua những màn hình nhỏ, chắc hẳn chúng ta sẽ không tránh được cảm giác xa cách, hụt hẫng. Thế nhưng ta cần hiểu rằng ai trong giờ phút này cũng rất nhạy cảm bởi áp lực khó khăn từ công việc đến cuộc sống, sức khỏe… Vậy nên những mâu thuẫn, lạnh nhạt là điều khó tránh khỏi.
Nhưng mối quan hệ thật sự bền vững là khi ta không cần thiết phải nhìn mặt nhau từng giờ từng phút, hay nhắn tin gọi điện báo cáo từng công việc đang làm. Hãy cho nhau những không gian riêng, để mỗi người có thể chăm sóc bản thân và duy trì các thói quen vốn có. Từ đó chúng ta sẽ duy trì được một tinh thần thoải mái, sự giao tiếp sẽ diễn ra tự nhiên và vui vẻ. Đừng quên nhắc nhở bản thân, rằng sự căng thẳng chính là tảng đá kéo những mối quan hệ xuống “vực sâu”.

3. Nuôi dưỡng lòng tin từ những kế hoạch
Khi những mối quan hệ bước từ trạng thái “Offline” sang “Online”, ta thường rơi vào suy nghĩ “xa mặt cách lòng”. Sự bí bách giữa 4 bức tường làm tâm trí ta trở nên uể oải, cũng như khó tìm được chủ đề để cùng trò chuyện. Những lúc như vậy, ta có thể “xốc” lại sự kết nối bằng cách cùng lập ra những dự định để thực hiện với nhau khi cuộc sống quay trở lại bình thường. Đó có thể là một chuyến du lịch xa, hay những địa điểm ăn uống ngon, những nơi vui chơi giải trí thú vị. Những kế hoạch ấy sẽ tạo cho mỗi người sự hứng thú nhất định, cũng như có chủ đề để trò chuyện thường xuyên, tránh đưa mối quan hệ vào quên lãng. Điều quan trọng là tạo ra những thứ đáng mong đợi, ngay cả khi chúng chỉ là việc nhỏ bé.
Sự kết nối sẽ luôn có nhiều cách khác nhau để phát triển. Điều quan trọng là bản thân ta cần thoải mái và đón nhận trạng thái mới, cũng như biến nó thành cơ hội để phát triển sự kết nối của chính mình. Dù chúng ta trải nghiệm cách nào đi nữa, chỉ cần là “cùng nhau” thì sẽ luôn giữ được lửa nhiệt, cũng như sự cân bằng ngay cả khi “Online” hay “Offline”.
Commentaires