top of page
Tìm kiếm

[𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 𝟐𝟎𝟐𝟏: DUY TRÌ THÓI QUEN TỐT HẬU ĐẠI DỊCH, PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐÂY?]

  • Ảnh của tác giả: HANU TEDx
    HANU TEDx
  • 16 thg 7, 2021
  • 4 phút đọc

Đã cập nhật: 8 thg 8, 2021






Đại dịch đã khiến cho cuộc sống của chúng ta đảo lộn, làm vô số công ty “chao đảo”, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng ta đã hình thành một số thói quen tốt khi giãn cách xã hội tại nhà. Trước hết, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, chúng ta cần hiểu “thói quen” là gì thì mới hình thành được nó. Đó là hành động phản xạ có điều kiện, phản ứng lại tín hiệu ngữ cảnh nhất định. Chẳng hạn, hoạt động đánh răng vào buổi sáng là một thói quen mà chúng ta không thắc mắc hay nghĩ về nó khi thực hiện. Vậy nhưng, làm thế nào để duy trì một thói quen mới? Hãy cùng 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 tìm hiểu 04 cách tạo lập và duy trì thói quen trong bài viết sau đây!


1. Xác định và hình thành mục tiêu


Thứ nhất, bạn hãy liệt kê những thói quen nào có ích/ gây bất lợi tới hoàn thành mục tiêu của bạn. Sau khi khách quan suy xét thói quen nào gây tác dụng xấu đến hoàn thành mục tiêu, hãy loại bỏ nó ra khỏi danh sách thói quen hiện tại. Sau đó, ghép thói quen tốt cần có tương ứng với mục tiêu.


Tiếp theo, để danh sách mục tiêu xuất hiện ở những nơi dễ thấy, như màn hình khoá điện thoại, gương, cửa phòng ngủ, bàn làm việc/ học tập. Tuy nhiên, danh sách mục tiêu này chỉ nên kéo dài từ 2-3 mục tiêu, thỏa mãn tiêu chuẩn SMART (Specific - cụ thể; Measurable - có thể đo được bằng số; Attainable - có thể đạt được trong khả năng của bạn; Relevant - liên quan và có ích cho bạn; Time-bound - có hạn chót cụ thể). Tận dụng tiêu chuẩn này sẽ giúp bạn cụ thể hóa mục tiêu, thay vì chung chung như “Mình sẽ học giỏi môn A hơn”.


Một mẫu câu gợi ý cho tiêu chuẩn này là:

[Tháng/ năm], mình sẽ [hành động], đạt [số], không [sự vật] dưới [số].


Chẳng hạn:

- Tháng 1/2022, mình sẽ đạt 3.6 GPA, không môn nào dưới 7.5.

- Tháng 1/2022, mình sẽ thi IELTS Academic, đạt được 7.5 overall, không kỹ năng nào dưới 6.5.

- Tháng 12/2021, mình sẽ viết tiếng Việt tốt hơn, đạt được 20 bài viết, không bài viết nào dưới 200 từ/ 100 lượt like.


Cách này sẽ giúp bạn tránh thói quen xấu, nhất là “vòng lặp” tạo danh sách mục tiêu/ thói quen “mơ ước” dài dằng dặc mà chúng ta thường làm vào mỗi dịp năm mới. Hãy đọc đến cuối bài viết, 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 có một món quà đặc biệt dành tặng bạn!


2. Lên kế hoạch với những thói quen “bé hạt tiêu”


Để tăng tính hiệu quả, bạn nên bổ sung thói quen cần xây dựng vào sổ lên kế hoạch, lịch cá nhân. Bật mí cho bạn, ứng dụng Google Calendar trên điện thoại/ máy tính bảng có 1 tính năng rất thú vị - hình thành mục tiêu, bạn chỉ cần bấm biểu tượng (+) ở góc phải bên dưới màn hình. Bên cạnh đó, hãy sáng tạo và thực tế xây dựng một nếp sống hiệu quả với thói quen mong muốn. Bạn muốn duy trì thói quen tập thể dục vào buổi sáng hậu đại dịch, nhưng lại không có đủ thời gian như mục tiêu đề ra. Vậy thì thay vì tập 45 phút, bạn nên giảm xuống 20 phút. Buổi sáng không tiện cho bạn, chuyển thói quen xuống thời gian nghỉ trưa hoặc sau khi tan làm/ học. Cuối cùng, sẽ ổn thôi nếu bạn dành thời gian rảnh để “nạp năng lượng”, đừng gò ép bản thân phải thật bận rộn. Đôi khi, quá căng thẳng sẽ đem lại tác dụng ngược.


3. Tối ưu hoá môi trường cho xây dựng thói quen


Trước hết, bạn cần xác định những tác nhân (hành động hoặc sự vật) “bóp cò” thói quen cần đạt được. Chẳng hạn, chuẩn bị thảm tập, quần áo tập cho bài thể dục. Hai đồ vật đó là tác nhân khiến bạn hành động. Tiếp đó, thay thế thói quen xấu bằng thói quen tốt và loại bỏ những tác nhân kích thích thói quen ấy. Bạn có thể tập “cai nghiện” mạng xã hội bằng cách xóa những ứng dụng đó ra khỏi điện thoại, giữ lại một số ứng dụng nhắn tin quan trọng. Để bổ sung vào thời gian trống không chơi điện thoại, ta có thể thiền, đọc sách, làm việc hoặc học bài. Một số apps gợi ý: Balance, Kindle, Elevate, NoxOcean. Nếu bạn đang phải đấu tranh với thói quen xấu gây nghiêm trọng, hãy tìm sự giúp đỡ từ một chuyên gia uy tín.


4. Tự thưởng để khích lệ


Trung bình, ta cần 18 - 254 ngày để hình thành một thói quen. Tuy nhiên, sự lặp lại không phải là tác nhân chính hình thành đến thói quen, mà là cảm xúc. Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ đang tập đánh răng - một thói quen mới. Trẻ con không thích bị mắng, thay vào đó, bạn nên khen ngợi và cổ vũ đứa trẻ bên trong bạn. Như vậy, bạn cần cảm thấy được khích lệ, động viên thì mới xây dựng thói quen một cách hiệu quả. Một ví dụ khác, bạn muốn tập thể dục, nhưng mỗi lần định tập là bạn tự trách bản thân lười nhác, xấu xí. Cách này không những làm bạn cảm thấy tệ và tự ti hơn, về lâu về dài còn gây tác dụng ngược đến tâm lý.


Một cây tre cần rất nhiều năm để rễ cắm sâu vào đất và cao lên. Đừng thúc giục bản thân phải cố gắng vượt quá khả năng, hãy yêu lấy từng nỗ lực “bé hạt tiêu” của bạn.


Cuối cùng, bạn đừng quên nguồn lực cổ vũ từ bên ngoài: gia đình và bạn bè. Trong lúc hình thành thói quen và thay đổi lối sống, sẽ có những người không ủng hộ bạn. Đó chính là lúc bạn cần tập lựa chọn duy trì hay buông bỏ mối quan hệ. Sau bài viết này, hãy cùng đón chờ một video thú vị và bổ ích của 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 và một vị khách mời đặc biệt, thảo luận về duy trì thói quen ở người trẻ!

 
 
 

Comments


tedxhanu-logo-den.png
logo.png

Liên Hệ:

➤ Email: tedxhanu2021@gmail.com
 

➤ Hotline:

0967174090 (Ms. Tú Anh) 

0888622401 (Ms. An An)

  • Facebook
  • Instagram
  • LinkedIn
bottom of page