[𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 𝟐𝟎𝟐𝟏: CÁCH MẠNG BẢN SẮC - PHẦN CUỐI: CÓ THẬT SỰ CẦN TÌM CÂU TRẢ LỜI?]
- HANU TEDx
- 23 thg 6, 2021
- 3 phút đọc

“Bạn phải biết mình là ai, mình muốn gì, cuộc sống mình sẽ ra sao, điều gì là quan trọng nhất để đưa ra quyết định cuối cùng.” theo Hillary Clinton.
Bạn biết đấy, đi tìm câu trả lời cho “Tôi Là Ai?”, quả thật chưa bao giờ là dễ. Bạn cần trải qua một quá trình rất dài tự làm việc với thế giới nội tâm, cũng như dành thời gian khai phá chính bản thân mình. Nhưng khi đã vượt qua giai đoạn ấy, sẽ có rất nhiều trái ngọt chờ bạn phía trước. Nhờ hiểu rõ mình là ai, bạn có thể dễ dàng khai thác những điểm mạnh, tôi rèn những điểm yếu nhằm phát triển những tiềm năng của cá nhân. Bạn không những nắm rõ vai trò, giá trị của bản thân trong xã hội, mà còn có thể đưa ra những quyết định quan trọng nhanh hơn mà vẫn vững tin vào những lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, cái gì quá cũng không hề tốt. Việc sở hữu bản sắc cá nhân quá mạnh mẽ cũng có những bất cập rất riêng như sau:
Đầu tiên phải kể đến tính “thái quá” trong việc tập trung quá nhiều vào cá nhân. Việc cứ khư khư giữ cho mình một góc nhìn, sẽ làm bạn quên mất hoặc cố tình ngó lơ những điều quan trọng khác. Bạn trở nên khó cởi mở với tư tưởng mới lạ, không chịu chấp nhận tính đa dạng trong cộng đồng, hay thậm chí thiếu hẳn đi sự cảm thông dành cho những cá nhân xung quanh.
Thứ hai, khi một cá nhân đã cố định cái bản sắc của chính mình, thì sẽ rất khó để thay đổi những suy nghĩ cố hữu đó. Nếu cá nhân ấy đã đưa ra nhận định về bản thân là một người thực dụng, thì rất có thể sẽ chỉ phân tích lựa chọn giúp đỡ người khác của mình dựa trên góc nhìn mang tính lợi ích cá nhân. Hoặc đối với một người tự nhận định bản sắc của mình là sự bảo thủ, thì cá nhân ấy sẽ luôn đổ tại cho “Bản Sắc” thay vì thay đổi và học cách lắng nghe.
“Định Hình Bản Sắc Cá Nhân” chính là một con dao hai lưỡi. Song song với sự tự tin nó mang lại, chúng ta cũng cần nhìn nhận thêm phương diện khác rằng, nó sẽ khuếch đại cách bạn nhận định bản thân hay vô tình nuông chiều những cảm tính của bạn. Ngoài ra, việc dán cho bản thân những cái nhãn có thể giúp bạn kết nối được cộng đồng mình thuộc về nhưng cũng là rào cản lớn cho sự phát triển của mỗi cá nhân.
Chẳng lẽ công cuộc “Cách Mạng Hoá” cơn khủng hoảng nên dừng ở đây sao?
Trong kho tàng ca dao tục ngữ của người Việt Nam có một câu như sau: “Sông có khúc, Người có lúc”. Suy cho cùng, con người chúng ta phải luôn luôn không ngừng thay đổi để phát triển. Những quan điểm hay tư tưởng ngày hôm nay bạn cho là đúng cũng sẽ đều thay đổi theo thời thế. Ngược lại, nếu không có sự thay đổi thì nhân loại cũng sẽ không trải qua đến 4 lần cách mạng công nghiệp, và sở hữu một nền văn minh tân tiến, hiện đại. Hành trình phát triển của một cá nhân luôn luôn đi cùng với hành trình phát triển của nhân loại. Không những vậy hai từ “Bản Sắc” không chỉ giới hạn ở một cá nhân cụ thể mà còn là hệ giá trị văn hoá của toàn cộng đồng. “Tìm Kiếm Bản Sắc” là một ngưỡng bạn buộc phải vượt qua, nhưng hãy học cách Cân Bằng, Điều Hoà và Tiết Chế nó.
“Cách Mạng Bản Sắc” là một quá trình tuy dài và khó nhưng chắc chắn cũng rất thú vị. Là một thử thách mà bất kỳ ai cũng phải vượt qua trên hành trình phát triển bản thân, bạn còn rất trẻ, hãy cứ dấn thân và khám phá những tiềm năng của mình nhé.
𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 hy vọng chuỗi 4 bài viết vừa qua, đã phần nào mang lại cho các bạn độc giả những góc nhìn mới mẻ về cơn “khủng hoảng" nghe có vẻ đáng ghét, nhưng lại không đáng ghét tẹo nào này. 𝐓𝐄𝐃𝐱𝐇𝐀𝐍𝐔 mong các bạn sẽ luôn cố gắng giữ cho mình một cái đầu lạnh cũng như sự linh hoạt và tính đa chiều trong lối tư duy. Hãy cứ là chính mình nhưng đừng quên bản thân mỗi người lại là một sợi nhỏ dệt nên tấm vải xã hội, cùng may chiếc áo tương lai.
Comments